Thứ Tư, 30 tháng 4, 2014

Tiết kiệm trong sản xuất nhờ áp dụng hệ thống tưới tự động

Thời gian gần đây, việc tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh đã được đông đảo doanh nghiệp lẫn hộ dân quan tâm. Từ đó, nhiều cách làm hiệu quả ra đời, góp phần đáng kể vào việc giảm giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm.

Tiết kiệm nước tưới trong sản xuất nông nghiệp: Hiệu quả hai trong một


Mô hình tưới phun mưa trên rau ở HTX rau Toàn Thịnh, thị trấn Ea Pôk, huyện Cư M’gar.
Những năm gần đây, do diễn biến bất thường của thời tiết nên sản xuất nông nghiệp ở Dak Lak luôn phải đối mặt với tình trạng khô hạn, thậm chí ngay cả trong mùa mưa. Trong khi đó, hầu hết nông dân sản xuất cà phê thường chỉ tưới nước theo kinh nghiệm, bình quân mỗi vụ, người dân tưới nước khoảng 4-5 lần theo 2 hình thức phun mưa hoặc tưới gốc, với khối lượng nước vượt quá yêu cầu từ 300 – 400 lít cho 1 gốc/lần tưới. Điều này không những gây lãng phí nước mà còn làm suy giảm độ phì nhiêu của đất do nhiều chất dinh dưỡng trong đất bị cuốn theo lượng nước dư thừa.
Trước thực trạng đó, mới đây Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên đã thực hiện thành công đề tài “Nghiên cứu kỹ thuật tưới tiết kiệm nước kết hợp bón phân qua nước cho cây cà phê ở Dak Lak” do TS. Lê Ngọc Báu – Viện trưởng – chủ trì. Theo đó, khi áp dụng mô hình tưới tự động này thì lượng nước tưới được phân phối trực tiếp đến từng cây (từ 60-90 lít/giờ) và có thể điều chỉnh theo nhu cầu của vườn cây, từ đó giúp cây cà phê nở hoa tập trung. Đồng thời, kỹ thuật tưới này cũng góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón do được bộ phận cấp phân tự động cung cấp trực tiếp đến từng cây cà phê thông qua hệ thống ống dẫn nước.
Theo tính toán, sau khi sử dụng biện pháp tưới nước tiết kiệm này sẽ giúp nông dân tiết kiệm về công bón phân và lượng phân bón so với bón vãi truyền thống từ 1.774.000đ – 2.587.000đ/ha. Ngoài ra, còn hạn chế việc bốc hơi và lượng phân bị chảy trôi trên bề mặt, hạn chế được ô nhiễm môi trường. Về lượng nước, so với phương pháp tưới truyền thống thì kỹ thuật tưới này tiết kiệm được 20%, như vậy mỗi năm Dak Lak sẽ tiết kiệm được khoảng 70,2 triệu m3 nước.
Riêng công tưới nước cho cà phê, nếu tưới theo truyền thống cần khoảng 24 công/ha/năm, còn khi dùng biện pháp tưới tiết kiệm thì giảm được khoảng 15 công/ha/năm. Chỉ tính riêng ở Dak Lak, với diện tích khoảng 195.000 ha, nếu chỉ 10% trong số đó được áp dụng tưới tiết kiệm thì giảm được một lượng công lao động khá lớn, khoảng 292.500 công mỗi năm.
Không chỉ riêng cây cà phê mà cây hoa và rau cũng đang được người nông dân sử dụng biện pháp tưới nước tiết kiệm thông qua công nghệ tưới nhỏ giọt và phun mưa. Qua mô hình thí điểm tại một số hộ trồng rau và hoa trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột và huyện Cư M’gar (thuộc dự án cạnh tranh nông nghiệp Dak Lak) cho thấy: thông qua công nghệ tưới này, cây trồng được cung cấp đủ nhu cầu nước, bộ phận châm phân sẽ hút phân (đã được hòa nước với liều lượng định sẵn) và điều tiết qua hệ thống nhỏ giọt, phân phối đều cho cây.
Nhờ đó, cây được cung cấp phân đầy đủ, không thất thoát, hiệu quả sử dụng phân của cây trồng cũng tăng lên. Công nghệ tưới nhỏ giọt và phun mưa trên rau ăn lá và hoa cũng hạn chế bệnh rất tốt, giảm tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Các hộ tham gia mô hình cho biết, khi áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt và phun mưa sẽ giảm đựơc 90% công lao động (gồm công tưới nước và bón phân); hạn chế được 50 – 70% sâu bệnh trên cây trồng. Chị Nguyễn Thị Vân (tổ dân phố 6, phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) cho biết: từ ngày áp dụng mô hình tưới tự động đến nay, gia đình không thuê thêm người tưới hoa, việc chuyển từ tưới tay sang tưới phun tự động đã giúp chị tiết kiệm rất nhiều thời gian và công lao động, nhờ vậy mà giảm được giá thành sản phẩm, lợi nhuận mang lại được gia tăng.
Có thể thấy, giải pháp tưới nước tiết kiệm không những giúp nông dân tiết kiệm được chi phí đầu tư mà còn giải quyết tối ưu được vấn đề đầu tiên trong sản xuất nông nghiệp là nước tưới. Và điều ý nghĩa nhất của việc áp dụng biện pháp tưới nước tiết kiệm là bảo vệ được sức khỏe cộng đồng, môi trường và giúp sản xuất phát triển bền vững. Tuy nhiên, để những kỹ thuật tưới nước tiết kiệm trên được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp, thiết nghĩ, ngành nông nghiệp tỉnh cần xây dựng thêm nhiều mô hình tại các vùng khác nhau để nông dân học hỏi và ứng dụng.

Công ty Cà phê Thắng Lợi: Lợi ích thiết thực từ việc tiết kiệm điện và thay thế chất đốt

Tận dụng nắng trời để phơi cà phê ở Công ty Cà phê Thắng Lợi.
Từ nhiều năm qua, Công ty TNHH Một thành viên Cà phê Thắng Lợi đã triển khai nhiều biện pháp tiết kiệm và mang lại hiệu quả cao, góp phần đáng kể vào việc nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Ông Nguyễn Xuân Thái, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Công ty cho biết: Việc tiết kiệm luôn được Công ty quan tâm thực hiện bằng việc thường xuyên rà soát, đánh giá chi phí của từng khâu, từng bộ phận để xác định đã tiết kiệm hết mức hay chưa, nếu còn lãng phí thì nhất định phải tìm ra giải pháp khắc phục nhằm giảm tối đa chi phí. Nhờ cách làm này, thời gian qua đã có nhiều sáng kiến, giải pháp tiết kiệm được áp dụng vào thực tế sản xuất, góp phần giảm nhiều chi phí. Chẳng hạn, đối với việc sấy cà phê, Công ty đã dùng vỏ cà phê làm chất đốt thay cho củi và than đá.
Trước đây, khi còn dùng than đá và củi làm chất đốt, để sấy mỗi kg cà phê, Công ty phải bỏ ra khoảng 400 đồng tiền chất đốt, nhưng nay chỉ tốn khoảng 120 đồng. Trung bình mỗi năm, Công ty sấy chừng 1.500 tấn cà phê, tính ra số tiền tiết kiệm được từ việc thay thế chất đốt cũng vào khoảng 420 triệu đồng. “Khoản tiền này đủ để trả lương cho cán bộ nhân viên lao động gián tiếp của Công ty trong 1 tháng” – Ông Thái nói. Tương tự, việc sử dụng điện chiếu sáng cũng được tiết kiệm hết mức, ngoài việc yêu cầu cán bộ nhân viên tăng cường sử dụng ánh sáng tự nhiên, sử dụng điện hợp lý… , Công ty còn thay thế bóng đèn néon loại 1,2 mét (40w) bằng bóng tiết kiệm điện Compact (12w), nhờ vậy, điện năng tiêu thụ cũng giảm đáng kể. Khi chưa sử dụng bóng đèn tiết kiệm, riêng chi phí tiền điện chiếu sáng, mỗi tháng Công ty phải trả từ 5 đến 6 triệu đồng, sau khi sử dụng bóng đèn tiết kiệm, mỗi tháng chỉ tốn chừng 1,8 triệu đồng. Đối với điện sản xuất cũng vậy, công ty đã tiến hành thay thế nhiều mô tơ điện có công suất phù hợp với yêu cầu công việc, nên đã hạn chế được tình trạng thiết bị chạy không tải, chỉ tính riêng việc thay thế các mô tơ công suất lớn (36kW/máy) bằng mô tơ nhỏ hơn (loại 16kW) của dây chuyền chế biến cà phê ướt cũng đã tiết kiệm được 50% chi phí tiền điện cho dây chuyền này.
Có thể nói, việc chú trọng tiết kiệm trong sản xuất kinh doanh đã và đang mang lại cho Công ty Cà phê Thắng Lợi nhiều lợi ích, rõ nhất là giảm chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm, qua đó nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp và thu nhập cho người lao động.
Theo Báo Đaklắk

0 nhận xét:

Đăng nhận xét