Thứ Ba, 22 tháng 4, 2014

Người nông dân với sáng chế hệ thống tưới tự động

Suốt ngày phải kéo vòi nước vừa xa vừa nặng tưới khắp vườn tiêu rộng hàng ngàn nọc, có bữa phải tưới cả ban đêm, đã khiến không ít hộ tốn rất nhiều công sức. Nếu gắn bó lâu dài với cây tiêu thì cách tưới tiêu thủ công sẽ không thể duy trì bởi sức khỏe của con người có hạn. Với suy nghĩ đó, phải mất hơn một tháng tìm tòi, thử nghiệm tháo ráp ống nước, van khóa, ông đã thành công với hệ thống tưới nước tự động cho vườn tiêu.
 Đó là lão nông Phạm Văn Lý ở thôn 5, xã Thiện Hưng (Bù Đốp), người đã gắn bó, kiên trì làm giàu bằng cây tiêu ngay từ những ngày đầu đến Bình Phước lập nghiệp (năm 1998). Ông cũng là một trong số ít người trên địa bàn xã đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh.
           Năng suất tiêu tăng từ 7-10% nhờ tưới nước tự động
          Đến thăm vườn tiêu hơn 6.000 nọc của nhà ông Phạm Văn Lý, bất kể là mùa khô đều dễ dàng nhận thấy vườn tiêu xanh tốt, dây nọc sum suê trái. Dẫn chúng tôi đi xem hệ thống tưới nước bán tự động, ông Lý vui vẻ nói: “Từ khi áp dụng công nghệ tưới tự động, do chủ động được nguồn nước tưới nên năng suất vườn tiêu tăng lên khoảng từ 7-10%, chi phí nhân công, điện, dầu giảm rõ rệt. Đặc biệt vợ chồng tôi không còn phải tưới cả ngày lẫn đêm như trước, đây là điều mừng nhất vì không hại sức khỏe”.
          Hệ thống tưới tự động của ông Lý dễ học tập và ứng dụng. Trong vườn tiêu, ông Lý đặt ống nước theo chiều chảy xuôi, ống chính (ống lớn) đặt ở vị trí cao nhất trong vườn, sau đó các loại ống phụ (ống nhỏ) được đặt tỏa đi xung quanh, chôn lấp dưới đất sâu chừng 10 cm. Cứ hai hàng tiêu thì đặt một đường ống ở giữa luống, sau đó khoan thành từng cặp lỗ nhỏ hướng về phía gốc tiêu. Cuối cùng dùng các van điều chỉnh lượng nước cho thích hợp. Người nông dân nên đầu tư dùng loại ống nước chất lượng tốt để đảm bảo được lâu dài. Nơi nào chưa có điện thì chạy bằng máy nổ. Tùy theo mô tơ của máy nổ để bố trí số lượng trụ tưới cho phù hợp. Và như vậy, thay vì cả ngày phải kéo vòi nước đi xa thì nay ông Lý chỉ việc nổ máy, mở van nước, kiểm tra vườn và về nhà làm việc khác, sau hai tiếng quay lại, khóa đường ống đó và mở van đường ống khác. Ông Lý phấn khởi khoe: “Nông dân bây giờ khác rồi, chỉ cần chạy xe honda tà tà thăm vườn, chứ không phải lấm lem khổ sở như trước”.
          Nhìn những nhánh tiêu sai trĩu quả, ông Lý tính toán: “Trước đây, với 1.000 nọc tiêu, một người phải mất 1,5 ngày tưới, nhưng giờ chỉ mất 0,5 ngày, số điện cũng giảm theo. Tính tiền nhân công, điện, dầu thì cứ 1.000 nọc sẽ tiết kiệm được 1 triệu đồng/tháng. Với hơn 6.000 nọc của gia đình tôi, mỗi tháng cũng tiết kiệm được ít nhất 6 triệu đồng. Như vậy là người trồng tiêu đã có lãi”. Theo ông Lý, với vòi phun nước kích cỡ nhỏ nên độ hấp thụ nước của cây được khá lâu, tránh tình trạng nước tràn bồn dễ bị bốc hơi. Đồng thời, nông dân vẫn có thể tận thu được số tiêu rụng ở dưới gốc do chưa kịp thu hoạch.
           Điểm tham quan, học tập của nhiều chủ vườn
          Với suy nghĩ gắn bó, kiên trì làm giàu từ cây tiêu nhưng không thể làm thủ công, vừa tốn công vừa tốn tiền của. Ngay sau đó, ông đã bắt tay vào tìm tòi, nghiên cứu cách lắp đặt đường ống, đặt van nước sao cho phù hợp. Do địa hình dốc thoải, nghiêng nên việc đặt đường ống gặp nhiều khó khăn. Kết quả hơn một tháng mày mò, ông Lý đã thành công với hệ thống tưới tự động. Trung bình chi phí cho đường ống lắp đặt, cứ 1.000 nọc tiêu thì hết từ 15-20 triệu đồng.
          Thành công với sáng chế này, vườn tiêu của gia đình ông Lý không những trở thành nơi tham quan, học tập của các chủ vườn ở địa phương mà còn thu hút nhiều lão nông đến từ Đồng Nai, Tây Ninh. Ông Lý không chỉ nhiệt tình hướng dẫn cách làm cho chủ vườn khi đến học hỏi mà còn đến tận vườn lắp đặt cho người dân. Hiện nay, ở xã Thiện Hưng và một số xã lân cận, nhiều hộ nông đã ứng dụng lắp đặt hệ thống tưới nước tự động cho vườn tiêu đạt kết quả tốt.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét